CHIA SẺ CẢM NHẬN KHÁC NHAU GIỮA ĐẠI HỌC ĐỨC VÀ VIỆT NAM

2631 0

Học đại học ở Đức liệu có khác nhiều ở Việt Nam hay không? Câu hỏi mà rất nhiều bạn băn khoăn khi vừa tốt nghiệp trung học và tìm hiểu về du học, trong đó có du học Đức. Thật may mắn vì mình đã có cơ hội trải nghiệm ở cả hai nền giáo dục đại học Đức và Việt Nam để từ đó mình có thể thấy những điểm khác biệt ấy. Mình ngay cả ở VIệt Nam cũng có sự chênh lệch rất lớn giữa các ngành nghề học, giữa các trường, giữa chương trình học và thầy cô giảng dạy. Vì vậy rất khó để so sánh một cách khách quan tổng thể nhất giữa đại học ở Đức và đại học ở Việt Nam. Ở bài viết này mình sẽ nếu cảm nhận dựa trên chính những trải nghiệm thực tế của mình nha. Trước đây mình học đại học ở Việt Nam 1 kỳ ở Học viện Ngân hàng ngành Tài chính và hiện tại của mình ở Đức là ngành Kinh tế học (Wirtschaftswissenschaften) tại trường Uni Leipzig.

1.Tổ chức lớp học

  • Điểm giống nhau: Ở Đức hay ở Việt Nam sinh viên đều học theo tín chỉ. Chúng mình được tự do đăng ký môn học, sắp xếp lịch học giờ học, môn nào học trước cũng được, khi nào hoàn thành đủ số tín chỉ yêu cầu sẽ được ra trường; Thầy cô thường xuyên sử dụng slide ở trên Powerpoint để giảng bài, ít khi ghi chép lên bảng giống học cấp Ba. Sinh viên có thể ghi lại bài vào vở, hoặc in trực tiếp từ silde các thầy cô upload online. Mình thì hay học trên máy tablet rồi về nhà tóm tắt lại vào vở ghi.
  • Học Đại học ở Đức không tính điểm chuyên cần; còn ở Việt Nam các thầy cô thường xuyên điểm danh trong mỗi tiết học. Mình nghĩ có tính điểm chuyên cần hay không thì cũng ưu nhược điểm riêng. Như ở Việt Nam, thầy cô điểm danh giúp sinh viên sẽ có ý thức học tập hơn. Còn ở Đức, việc không tính điểm chuyên cần sẽ tạo điều kiện cho sinh viên sử dụng thời gian ở trên trường đầu tư vào việc khác bổ ích hơn, khi họ cảm thấy việc lên lớp học thầy cô giảng dạy không thật sự hiệu quả hay các bạn ấy nghĩ có thể ở nhà tự học được.
  • Lớp học đại học ở Đức không có cán bộ lớp như lớp trưởng lớp phó. Khi có thắc mắc gì sinh viên hỏi trực tiếp qua email hoặc đặt lịch hẹn ở chỗ giáo sư. Thường mỗi lớp có một group chat ở trên WhatsApp, mọi người tham gia vào nhóm đấy để trao đổi với các bạn học cùng lớp.
  • Học đại học ở Đức có ít những lễ kỉ niệm như ở Việt Nam như ngày Nhà giáo Việt Nam, mùng 8/3, …. Và việc mà học sinh tặng hoa, tặng quà cho cô cũng xảy ra rất hiếm khi, mình chưa thấy bao giờ.
  • Nước Đức cũng là quốc gia có tỉ lệ nhập cư khá là lớn, chính vì vậy trong môi trường giáo dục cũng có nhiều bạn đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Thường trong mỗi lớp có khoảng 10% sinh viên nước ngoài. Khi học đại học ở Đức, các bạn không chỉ có thể làm quen với nền văn hóa Đức mà cũng có thể làm quen nhiều bạn từ nhiều quốc gia khác nhau với nhiều nền văn hóa khác nhau nữa. Đây cũng là trải nghiệm thú vị cho những bạn ưu thích khám phá và sống hướng ngoại.

2.Tổ chức thi

Học ở Việt Nam, khi đăng ký môn học từ đầu kì thì cuối năm sinh viên sẽ phải thi môn học đó mà không được hủy. Còn ở Đức sinh sẽ đăng ký môn học mình sẽ được phép hủy môn đấy chậm nhất là một tháng trước khi thi (Quy định thời gian hủy môn mỗi trường khác nhau, như trường mình là 1 tháng trước khi thi, có trường sinh viên được hủy môn đến 1-2 tuần trước khi thi…)

3.Cách tính điểm thi

Ở các hệ thống giáo dục ở Việt Nam điểm tính theo thang điểm 1-10. Còn ở Đức điểm thi tính theo thang điểm từ 1 đến 5, có trường thì sẽ tính từ 1 đến 6. Điểm 1 là cao nhất, từ 1 đến 4 thì là đỗ, 5 đến 6 là trượt. Các thầy cô tính số phần trăm điểm. Ví du làm được 50% thì quy ra là điểm 4, 90% trở lên quy ra là điểm 1.

Ở trường đại học của mình ở Việt Nam được phép học cải thiện. Khi các môn sinh viên thì đỗ nhưng điểm không cao đóng tiền tiếp và học lại để thi tốt hơn. Còn ở Đức được điểm 4 cũng không được học cải thiện.

4.Tiền học phí

Học phí ở Việt Nam tính theo tín chỉ. Học đại học ở đức chỉ có bang Baden-Wüttemberg thu học phí, còn các trường ở các bang khác thì hoàn toàn không. Tuy nhiên vẫn phải đóng một khoản là phí học kỳ (gọi là Semesterbeitrag). Các bạn tham khảo rõ hơn ở bài viết trước của mình nha: Những điều cần biết để Du học Đức miễn phí.

5.Thời gian học quy định

Thời gian học đúng lịch trình ở Đức thường là 3 năm trong khi ở Việt Nam 4 năm. Tất nhiên nếu chưa học đủ số tín chỉ yêu cầu, sinh viên mình sẽ phải học lâu hơn.

6. Cảm nhận của mình về cách giảng dạy của thầy cô

Theo mình cảm nhận, ở Việt Nam các thầy cô ở đại học chăm sóc mình hơn, dạy kỹ hơn các thầy cô ở Đức. Điều này giúp sinh viên mình dễ hiểu và tiếp thu bài hơn. Còn các thầy cô ở Đức muốn sinh viên tự học, tự nghiên cứu là chính. Đối với một số môn tính toán có bài tập ứng dụng, ngoài các buổi học lý thuyết cùng các giáo sư, sinh viên mình sẽ được làm bài tập ứng dụng cùng các anh chị Tutor (thường là sinh viên các năm trước)

Vừa rồi là những cảm nhận của mình về học đại học ở Việt Nam và Đức. Hy vọng chia sẻ vừa rồi sẽ giúp các bạn trong việc đưa ra quyết định có nên du học Đức hay không nhé.

 

 

Trả lời