Nhắc đến du học Đức, các bạn thường biết đến 2 chương trình học mà đông đảo sinh viên Việt Nam lựa chọn, đó là học Đại Học hoặc Học Nghề. Chắc hẳn nhiều bạn sau khi kết thúc cấp 3 băn khoăn không biết nên chọn học Đại học hay Học nghề ở Đức, trong bài viết này mình sẽ đưa ra một số so sánh cũng như cách nhìn nhận của mình dựa trên các tiêu chí dưới đây về 2 chương trình học này, từ đó các bạn có thể đưa ra lựa chọn phù hợp với bản thân của mình nhé.
1.Năng lực
Học đại học thì cần tư duy nhiều hơn học nghề. Nếu ở Việt Nam bạn có lực học từ khá, giỏi trở lên, thêm với đam mê, ý thức tự học cao thì mình nghĩ học đại học ở đức cũng không quá khó. Nhưng mình thì học cũng chỉ ở mức khá thôi chứ không phải quá xuất sắc nhưng từ khi học đại học ở Đức đến giờ năm cuối cũng chưa thi trượt môn nào cả.
Còn đối với các bạn nếu các môn sở trường nhất của bạn cũng chỉ học được ở mức trung bình thôi thì mình nghĩ học nghề sẽ phù hợp hơn. Ở Đức có các chương trình nghề mà các bạn sinh viên Việt Nam theo học rất nhiều như: điều dưỡng chăm sóc người già, cơ khí, thợ điện nước, máy móc… Như mình thấy học nghề đòi hỏi tính tỉ mỉ, cần cù, cần thận cao. Có một số nghề đặc thù mà không phải ai cũng làm được như nghề điều dưỡng chăm sóc người già. Công việc chính là chăm sóc các cụ, vệ sinh cá nhân, cho các cụ ăn uống, thuốc men, tiêm chủng, thông báo tình trạng sức khỏe cho bác sĩ và gia đình người nhà… Mình nghĩ nếu các bạn không có niềm vui, giao lưu, trò chuyện, chăm sóc người già thì rất khó theo nghề này lâu dài được.
Người lại nếu bạn thuộc tuýp nghiêng về học tập, nghiên cứu thì nên chọn học đại học, cử nhân, thạc sĩ,… Còn nếu bạn muốn đi đức nhưng không đủ điều kiện học đại học, hoặc đơn giản là cảm thấy lực học của mình không phù hợp, thì mình nghĩ du học nghề ở Đức cũng là lựa chọn rất tốt.
2. Chi phí
Nếu chi phí du học đại học ở Đức còn là trở ngại, băn khoăn, lo lắng đối với gia đình bạn, thì đi du học nghề có lẽ là phương án an toàn, ít rủi ro và nhanh lấy lại vốn hơn (có thể nói là như vậy…haha…). Ngay sau khi có bằng B2 tiếng Đức, bạn có thể vào học nghề luôn. Học nghề nghĩa là vừa học vừa làm, có thể học 1 tháng làm 1 tháng, hoặc học 1 tuần làm 1 tuần tùy trường, nói chung là đan xen giữa học và làm. Thường năm đầu mức lương vào khoảng 700-800Euro/tháng. Nhưng mình chia sẻ ở bài viết chi phí sinh hoạt hàng tháng của sinh viên ở Đức thì mỗi tháng chúng mình tiêu khoảng 500-600Euro. Như vậy nếu đi học nghề thì 1 tháng bạn có thể dành dụm được khoảng 200-300Euro. Lên năm thứ 2-3 thì mức lương bạn nhận được sẽ cao hơn, vào khoảng trên dưới 1000Euro, tùy vào ngành nghề cũng như hợp đồng thỏa thuận với công ty.
Trong khi đó, nếu học đại học, bạn phải học trên trường từ thứ Hai đến thứ Sáu, chỉ có thể tranh thủ đi làm vào thứ Bảy và Chủ Nhật để kiếm tiền trang trải cuộc sống du học. Như mình thường làm nhiều vào kì nghỉ để trong kì có thể tập trung học hơn. Vào 1 tháng trước kì thi mình dành hết thời gian để ôn thi, không đi làm thêm được. Vì vậy, mình nghĩ việc học đại học sẽ căng thẳng hơn, cần phân bổ thời gian hợp lý giữa học và làm, sao cho kiếm đủ tiền sinh hoạt mà việc học không bị lơ là. Khi du học đại học, nhiều trường hợp gia đình vẫn cần trợ cấp thêm về mặt tài chính, trong khi du học nghề bạn có thể tự túc xoay xở lấy.
3. Việc làm và cơ hội
Sau khi tốt nghiệp đại học hay học nghề, bạn đều có cơ hội xin visa ở lại Đức làm việc và cư trú lâu dài, nếu bạn tìm được công việc, vị trí phù hợp với chương trình học vừa kết thúc. Khả năng xin việc sau khi học nghề cao hơn, vì những công việc đó ở Đức rất thiếu nhân lực. Thêm nữa, khi bạn học nghề và thực tập trực tiếp, thì các công ty đó có xu hướng giữ bạn ở lại làm luôn. Một số hợp đồng học nghề được kí kết trước khi sang Đức yêu cầu bạn sau khi tốt nghiệp phải ở lại làm ở công ty đó ít nhất một vài năm. Mặt khác, nếu bạn đi du học nghề ở Đức thì nên xác định ở lại làm việc ở Đức luôn. Những ngành nghề dịch vụ như cắt tóc, sửa xe, sửa máy móc, thợ cơ khí, thợ điện nước, chăm sóc sắc đẹp, nhà hàng ăn uống…. ở Đức chi phí cao, còn ở Việt Nam những dịch vụ đó rất rẻ. Thêm nữa lực lượng lao động ở Việt Nam cho những ngành nghề đó rất sẵn. Vì vậy nếu bạn tốt nghiệp bằng nghề ở Đức mà về Việt Nam mình nghĩ chưa thật sự hợp lý.
Nếu bạn thích sự ổn định và đảm bảo cuộc sống thì du học nghề là lựa chọn rất phù hợp: Tuy nhiên, nếu tốt nghiệp đại học, bạn có cơ hội thăng tiến cao hơn, có thể làm ở nhiều vị trí hơn.